Tác phẩm Lăng Mông Sơ

Tác phẩm trước thuật của Lăng Mông Sơ rất phong phú. Các loại tạp luận kinh sử, tuyển bình thơ văn và rất nhiều hí khúc không dưới 20 loại song phần lớn bị thất tán. Tác phẩm của ông gồm có Nhị phách, Thánh môn truyền thi đích trủng, Ngôn thi dực, Thi nghịch, Thi Kinh nhân vật khảo, Tả truyện hợp chinh, Nghê tư sử hán dị đồng bổ bình, Doanh đằng tam tráp, Đãng trất hậu lục, Quốc môn tập, Quốc môn ất tập, Kê giảng trai thi văn, Ất biên đản, Yến trúc âu, Nam âm chi lại, Đông Pha thiền hỷ tập, Hợp bình tuyển thi, Đào vi hợp tập, Hoặc nịch cung, Quốc sách khái. Cuối đời ông rất say mê việc in khắc các loại tiểu thuyết, hý khúc, khắc xong dùng son và mực trang điểm thêm cho đẹp, có những bản in nhiều màu lại có xen thêm hình vẽ rất hấp dẫn. Ông từng khắc những sách Thế thuyết tân ngữ, Tây sương ký, Tỳ Bà ký, Nam Kha ký đều rất sắc sảo đẹp mắt.[6]

Lăng Mông Sơ dưới sự ảnh hưởng Tam ngôn của Phùng Mộng Long, đã sửa chữa, sáng tác không ít những thoại bản tương tự, biên tập và in thành sách gọi chung là Nhị phách, được xem là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông.[7] Cùng với với Tam ngôn, tác phẩm này đã trở thành đối tượng nghiên cứu không thể thiếu của các nhà tiểu thuyết học Trung Quốc. Nhị phách gồm 2 tập: Phách án kinh kỳ sơ khắc và Phách án kinh kỳ nhị khắc mỗi tập gồm 40 thiên, trong đó có 1 thiên trùng lặp, 1 thiên tạp kịch. Trong bài Tựa tự viết ký tên Tức Không Quán chủ nhân, tác giả nói rằng sách này "thu thập các truyện hay xưa nay, rồi viết lại và mở rộng thêm ra" vậy nên tác phẩm toàn là sáng tác cá nhân. Tác giả căn cứ vào sử liệu và truyền thuyết dân gian rồi lựa chọn cái hay, sắp xếp diễn giải, hư cấu, viết thành tác phẩm của mình.[6]